Dưới đây là những bộ phim kinh dị được các nhà phê bình giành nhiều lời khen có cánh mà mọt yêu thể loại kinh dị không thể bỏ qua.
Nếu như trang đánh giá phim IMDb.com thiên về tính đại chúng thì Metacritic.com lại thiên về học thuật. Điểm số của mỗi phim trên trang này là trung bình cộng điểm số của các nhà phê bình dựa trên nhiều tiêu chí chuyên môn: kịch bản, diễn xuất, kỹ thuật quay, nghệ thuật dàn dựng, phép ẩn dụ của các chi tiết tượng hình,… Thông thường, cùng một phim nhưng điểm trên Metacritic lại thấp hơn IMDb. Đặc biệt, thể loại kinh dị thường hiếm khi có được những số điểm hào phóng từ người xem lẫn giới phê bình. Tuy nhiên, những bộ phim kinh dị dưới đây lại khiến những nhà bình phim khó tính không ngần ngại dành tặng cho chúng điểm số cao “chót vót”.
Điểm Meta: 81/100
- Little Shop of Horror (1986)
- The Blair Witch Project (1999)
- A Girl Walks Home Alone at Night (2014)
- Goodnight Mommy (2015)
Goodnight Mommy tạo ra không khí ngột ngạt, tù túng và tra tấn cảm xúc của người.
Trong năm 2015, dòng phim kinh dị tiếp tục đón nhận một thêm kiệt tác của điện ảnh Áo – Goodnight Mommy. Mang một cốt truyện lấp lửng với nhiều tình tiết ám thị, phim gieo rắc nỗi sợ hãi trên từng khung hình, đặc biệt đào sâu vào những góc tối trong bản chất con người. Goodnight Mommy theo chân một cặp song sinh nghi ngờ mẹ mình là giả sau khi bà trở về từ cuộc giải phẫu thẩm mỹ. Càng về cuối tác phẩm, mạch phim bước vào giai đoạn đen tối cùng cực và khép lại trong nỗi dằn vặt. Tác phẩm từng được mang đi tranh giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại Oscar lần thứ 88.
A Girl Walks Home Alone at Night tiếp nối sự trỗi dậy mạnh mẽ của dòng phim Iran trong những năm gần đây.
Cùng điểm số với Goodnight Mommy là bộ phim nhạc kịch pha lẫn kinh dị, hài, viễn tưởng Little Shop of Horror được nhào nặn bởi bàn tay của hai đạo diễn Jeffrey Katzenberg và Michael Eisner. Đây là bản phim làm lại từ bộ phim kinh điển cùng tên ra mắt vào năm 1960 nhưng được đánh giá là thành công hơn “người tiền nhiệm”. Song song đó, cuốn phim mẫu mực của thể loại found-footage là The Blair Witch Project cũng nằm cùng thứ hạng trong danh sách này. Không những vậy, hơi thở mới của dòng phim về ma cà rồng là A Girl Walks Home Alone at Night cũng có cùng điểm với ba xuất phẩm nói trên.
Điểm Meta: 82/100
- The Exorcist – Bản tái phát hành (2000)
- Let the Right One In (2008)
Một số hiệu ứng CGI được thêm vào bản phim tái phát hành năm 2000 của siêu phẩm The Exorcist.
The Exorcist lần đầu tiên ra mắt công chúng vào năm 1975. Đây là tác phẩm kinh dị đầu tiên trong lịch sử nhận được đề cử ở hạng mục Phim truyện xuất sắc nhất, đồng thời được vinh danh với giải thưởng Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất tại giải thưởng phim ảnh danh giá nhất hành tinh – Oscar. Được mệnh danh là một trong những bộ phim gây ám ảnh nhất mọi thời đại, The Exorcist có sức sống bất biến cùng thời gian. Chuyện phim xoay quanh một bé gái bị quỷ ám được các linh mục tiến hành lễ trừ tà. Nhiều phân đoạn của phim trở thành những cảnh quay kinh điển trên màn ảnh phim kinh dị.
Let the Right One In được đánh giá là một bộ phim phi Hollywood kết hợp nhuần nhuyễn giữa kinh dị, huyền bí và yếu tố nhân văn.
Nằm cùng thứ hạng với The Exorcist chính là tác phẩm đỉnh cao về ma cà rồng Let the Right One In. Phim được chuyển thể dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn John Ajvide Lindqvis. Xuất phẩm kinh dị này đã định nghĩa lại dòng phim về ma cà rồng trong giai đoạn đó, biến Twilight ra mắt cùng thời điểm trở thành một bộ phim “không hơn không kém” dành cho trẻ con. Lấy bối cảnh năm 1982 ở ngoại ô Stockholm, Thụy Điển, chuyện phim xoay quanh cậu bé Oskar muời hai tuổi và tình bạn mang màu sắc lãng mạn giữa cậu và một cô bé ma cà rồng. Let the Right One In đậm đặc chất liệu kinh điển của các phim ma cà rồng thế kỷ trước và xen lẫn nhiều tầng lớp ý nghĩa.
Điểm Meta: 83/100
- Alien – Bản tái phát hành (2003)
- Sweeney Todd: The Demon Barber of Fleet Street (2007)
- Taxidermia (2009)
- Drag Me to Hell (2009)
- It Follows (2015)
- The Witch (2016)
Một cảnh trong Drag Me to Hell.
Nếu từng yêu thích tượng đài kinh dị Evil Dead (1981) thì chắc hẳn bạn sẽ nhận ra phong cách của đạo diễn Sam Raimi trong Drag Me to Hell. Tác phẩm thuần kinh dị này được phủ kín bởi màu đỏ của máu và ngập tràn chuỗi hình ảnh giật gân. Drag Me to Hell kể về một nữ nhân viên tài chính từ chối gia hạn thời hạn nợ của một bà lão. Ngay sau đó, cô bị cụ bà nguyền rủa và liên tiếp gặp phải những chuyện kinh khủng khó giải thích. Cô cần tìm cách cứu rỗi linh hồn mình trong lúc những thế lực đen tối tìm cách hãm hại cô. Với một cốt truyện đơn giản mà độc đáo, cùng cách kể chuyện kinh dị cường điệu, Drag Me to Hell dung hòa được chất nghệ thuật lẫn giải trí, đồng thời khép lại với một cái kết bất ngờ và đáng nhớ.
The Witch được đánh giá là cuốn phim kinh dị mẫu mực trong những năm gần đây.
Có cùng điểm cùng số với Drag Me to Hell trong danh sách này là 5 tác phẩm nổi tiếng khác, bao gồm hai cơn sốt trong năm 2015 và 2016 mang tên It Follows và The Witch đậm hơi hướng phim của thế kỷ trước, tác phẩm kinh điển về sinh vật ngoài hành tinh Alien lần đầu phát hành vào năm 1979, bộ phim kinh dị từng nhận giải Quả Cầu Vàng lẫn Oscar Sweeney Todd: The Demon Barber of Fleet Street và một Taxidermia của vùng đất Hungary từng được chọn để tranh giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại Oscar.
Điểm Meta: 84/100
- Dracula: Pages from a Virgin’s Diary (2002)
- Under the Shadow (2016)
Một cảnh trong Under the Shadow.
Under the Shadow đặt bối cảnh tại Teheran, thủ đô của xứ sở Iran vào năm 1988, thời điểm cuộc chiến tranh Iran – Iraq đi đến giai đoạn căng thẳng nhất. Shideh (Narges Rashidi đóng) rơi vào chuỗi bi kịch nối dài: bị cấm vận không được trở lại trường Y vì những hoạt động chính trị trong quá khứ, phát hiện ra chồng mình bị điều đến tiền tuyến, đồng thời cô phải cùng con gái Dorsa vật lộn để sinh tồn trước những cuộc tập kích từ trên không của quân địch. Đồng điểm cùng với tác phẩm giật gân – kinh dị này là cuốn phim câm “đen” ấn tượng của đạo diễn Guy Maddin – Dracula: Pages from a Virgin’s Diary. Ông chứng tỏ sự điên rồ trong đứa con tinh thần của mình bằng mạch phim kịch tính, choáng ngợp và đầy ám ảnh.
Còn tiếp …